Thậm chí cả ở những vùng không có sự xuất hiện của con người, gián vẫn tồn tại. Vậy thực ra chúng ở đâu chui ra?
Gián là một sinh vật bị ghét nhất thế giới này. Đến mức, nhiều người sẵn sàng gọi chúng là… “thất bại của tạo hóa”.
Quả thực, sinh vật gớm ghiếc ấy xuất hiện ở mọi nơi, mang theo người rác bẩn và mầm mống của bệnh tật. Vấn đề nằm ở chỗ, ta đi đâu cũng không thoát khỏi chúng. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, bọn chúng từ đâu ra mà lắm thế, và ăn cái gì mà đi đến đâu cũng sống dai và sống khỏe không?
Gián có mặt ở mọi nơi (theo nghĩa đen).
Thực ra gián có tới ít nhất là… 5.000 loại, nhưng Periplaneta Americana và Blattella Germanica – hay còn gọi là gián Mỹ và gián Đức – là 2 loài phổ biến nhất (và cũng gieo rắc nhiều nỗi kinh hoàng nhất) đối với con người.
Americana là loài gián khá phổ biến ở những vùng có khí hậu ấm áp. Chúng rất yêu thích những khu vực rộng lớn, đặc biệt là những nơi mang tính công cộng như tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi hay nhà hàng…
Loài gián Americana…
Loài gián Mỹ này thích sống ngoài trời tại những nơi như xung quanh thùng rác, trên cây và trong gỗ.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy loài gián này ở những nơi dưới lòng đấtnhư trong mương, ống dẫn hơi nước, tầng hầm hay cống rãnh. Khi mùa mưa tới, chúng sẽ thực hiện cuộc “đại di cư” đến xâm chiếm tòa nhà, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho mọi người.
…và Germanica là những người bạn thân thiết của con người.
Trong khi đó, anh em đồng chí của Americana, Germanica có vẻ “chảnh” hơn khi không thể sống thiếu con người và cuộc sống văn minh.
Loài gián này thường sống thành bầy lớn, tập trung ở những nơi tối tăm ẩm thấp, nhất là trong nhà bếp, trong tường, trong những ngăn kéo bỏ trống cũng như dưới bếp lò, máy giặt và máy rửa chén…
Bạn có thể dễ dàng gặp chúng trong bếp (và hầu như ở mọi nơi).
Thế đấy, gián có mặt ở mọi nơi đúng là không nói điêu mà.
Chúng ăn gì để sống?
Gián không những gớm ghiếc mà còn sinh sản rất nhanh. Lấy ví dụ một quần thể Americana trong mỗi ống cống có thể lên tới con số 5.000 con! Theo đó mỗi gián cái sẽ đẻ 150 trứng trong 10 tháng, tập trung thành một cụm gần với nguồn thức ăn.
Còn loài Germanica, mỗi năm có thể sản sinh hơn 10.000 cá thể – theo thống kê từ ĐH Nông Nghiệp Penn State (Mỹ).
Do sinh sản nhiều như vậy, nên nhu cầu dinh dưỡng của chúng cũng rất cao. Sau khi trứng nở, gián con phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển để trở thành con trưởng thành, và mỗi giai đoạn đều cần một lượng lớn thức ăn.
Gián có thể ăn tất cả mọi thứ.
Và thật… “may mắn”, chúng có thể ăn tất cả mọi thứ, từ bánh mì, hoa quả cho đến giấy, quần áo, tóc, giày và những thực phẩm đã phân hủy.
Riêng loài Germanica lại đặc biệt bị thu hút bởi thịt, tinh bột đường và chất béo. Trong trường hợp nguồn thức ăn khan hiếm, chúng sẵn sàng cắn cả những vật dụng trong nhà như xà phòng, keo dán hoặc kem đánh răng. Thậm chí, chúng có thể ăn thịt lẫn nhau (tốt quá).
Gián Germanica lại đặc biệt bị thu hút bởi thịt, tinh bột đường và chất béo.
Chính vì xu hướng thích ăn chất thải của con người, nên gián có thể trở thành nguồn lan truyền mầm bệnh cực kỳ khủng khiếp.
Để tránh được những tác hại mà gián gây ra, tốt nhất hãy luôn giữ nơi ở của mình thật sạch sẽ, thoáng mát và khô ráo. Thức ăn nên được cất ở một nơi được thiết kế “chống bọ”, và nhớ đổ rác thường xuyên.