Việt Nam công bố loài thực vật mới cho thế giới

Thứ năm, 3/8/2017 | 00:00 GMT+7
|

Các nhà khoa học Việt công bố loài thực vật mới cho thế giới

Nhóm các nhà khoa học cách đây 6 năm tìm thấy loài cây hoa màu hồng mọc trên vách đá và bất ngờ khi biết chúng là loài mới.

Cuối tháng 7, Phytotaxa – tạp chí chuyên ngành thực vật uy tín, thuộc hệ thống trích dẫn khoa học SCI – đã công bố loài thực vật mới của thế giới được tìm thấy ở Quảng Ngãi, Việt Nam.

Đó là Me nguồn phạm hoàng hộ – Phyllagathis phamhoangii V.T.Pham, T.C.Vu & Ranil, thuộc chi Me nguồn, họ Mua. Loài mới được đặt theo tên của cố giáo sư Phạm Hoàng Hộ, tác giả của nhiều bộ sách chuyên về thực vật. Chúng thuộc cây thân rễ, cao khoảng 25 cm, cụm hoa mọc vượt trên lá và có màu hồng tươi, mọc trên vách đá ẩm ở Quảng Nam.

cac-nha-khoa-hoc-viet-cong-bo-loai-thuc-vat-moi-cho-the-gioi

Loài mới được tìm thấy ở Quảng Nam. Ảnh: Phạm Văn Thế.

Tháng 3/2011, nhóm khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cùng đồng nghiệp từ Nga, Sri Lanka thực hiện đề tài đánh giá những giá trị đa dạng thực vật tại một số khu rừng nguyên sinh còn sót lại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, giới hạn từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Chuyến thực địa kéo dài trong hai tháng. Nhóm bắt đầu từ Quảng Bình, qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và đến điểm khảo sát cuối cùng ở Quảng Nam. Tại một khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở Đại Hồng (Quảng Nam), các chuyên gia phát hiện loài thực vật mọc ở vách đá sườn núi, cách tuyến đường khảo sát chỉ vài chục mét.

“Loài có hoa màu hồng, thân rễ dạng củ và nhiều lông cứng. Chúng khá đặc biệt và hầu hết chúng tôi chưa bao giờ gặp hoặc biết loài nào có đặc điểm tương tự”, anh Phạm Văn Thế, thành viên nhóm nghiên cứu kể lại.

Xác định đây có thể là loài mới cho khoa học, nên nhóm đã ghi chép, thu thập tỷ mỉ. Anh Thế cũng đã phân tích chụp ảnh chi tiết từng bộ phận của cây, đặc biệt chú ý đến bộ phận sinh sản. Các thông tin về kích thước và màu sắc được anh ghi chép cẩn thận.

Về Hà Nội, nhóm tiếp tục tìm hiểu các thông tin liên quan đến chi và họ của loài này ở Việt Nam và các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Họ không tìm thấy bất kỳ loài nào có đặc điểm giống với mẫu vật mà họ thu được. “Dù vậy chúng tôi vẫn chưa chắc chắn đây là loài mới của thế giới. Ngay cả tôi là người trực tiếp phân tích mẫu vật nhưng cũng không chắc chắn vào nhận định của bản thân”, anh Thế nói.

Ảnh: Phạm Văn Thế

Loài mới có hoa màu hồng tươi. Ảnh: Phạm Văn Thế.

Sau đó, anh Thế lật lại các dữ liệu cũ là những ghi chép về các đợt thu mẫu thì thấy một mẫu vật tương tự thu được ở Quảng Bình năm 2008. Quá trình tìm lại mẫu vật này khá vất vả và mất nhiều thời gian. Anh có chuyển dữ liệu cho một số đồng nghiệp và liên hệ với chuyên gia quốc tế để công bố nhưng họ không nhận, bởi tư liệu về họ Mua ở Việt Nam khá ít.

Số liệu và mẫu vật đã đầy đủ, nhưng quá trình xác định nó là loài mới không đơn giản. Các thành viên của nhóm hầu như bỏ cuộc. Phải đến 5 năm sau, anh Thế mới liên hệ được một người đang nghiên cứu về họ Mua của Việt Nam và khẳng định “chưa từng được biết đến loài đó”.

Một đồng nghiệp khác ở Sri Lanka cũng nói: “Không tìm thấy loài nào trên thế giới giống vậy”.

Từ đó, các nhà khoa học quyết định viết báo gửi tạp chí chuyên ngành để công bố loài mới. Bản thảo gửi lên tạp chí khoa học vào đầu năm 2017 thì cuối tháng 6 được chấp nhận và xuất bản vào cuối tháng 7.

Thân rễ dạng củ với nhiều lông cứng của loài ..

Thân rễ dạng củ với nhiều lông cứng của loài Me nguồn. Ảnh: Phạm Văn Thế.

Khu vực tìm thấy loài mới đang bị tác động mạnh do không nằm trong rừng đặc dụng nên thường xuyên bị khai thác gỗ, vì vậy nhóm khoa học đề nghị bảo tồn loài này và đưa vào tình trạng sắp nguy cấp.

Công bố trên giúp bổ sung một loài thực vật mới cho thế giới cũng như Việt Nam. Từ đó giới chuyên gia có thể xem xét tiềm năng làm dược liệu hoặc khả năng nhân giống làm cảnh, hoặc nó có thể là nguồn gene quý.

Theo  VNexpress.