Chùa Phước Hưng được xây dựng từ thế kỷ 19, vẫn còn giữ được nét cổ kính, khang trang cho đến ngày nay.
Chùa Phước Hưng hiện tọa lạc tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Công trình được một nhóm người Hoa xây dựng vào năm 1838, đến nay đã 180 năm. Mang dáng dấp của các công trình kiến trúc Hoa, nơi đây là địa chỉ thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp lễ, Tết.
Chùa có 8 mái và 2 cấp, được lợp ngói âm dương tạo gợn sóng, chóp mái nhô ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao.
Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miếng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, quy, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc ánh nắng.
Bên trong chánh điện bài trí đơn giản nhưng trang nghiêm, không có bao lam (hình thức nghệ thuật chạm khắc) như ở các chùa cổ khác. Một số câu đối khắc liền vào cột. Ngoài những pho tượng Phật, nơi này còn có tượng Phật Thích Ca của chùa Hưng Pháp, xã Tân Qui Đông gần đó gửi. Nơi đây còn giữ được tượng Quan Công của chùa Minh Hương gửi năm 1849.
Các bộ kinh Kim Cang, Phổ Môn, Địa Tạng… bằng chữ Hán khắc gỗ năm 1919 vẫn được lưu giữ. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trổ hoa văn sắc sảo.
Đáng chú ý nhất bên trong chánh điện là chiếc mõ được Hoà thượng Vĩnh Tràng (đời trụ trì thứ tư) thỉnh từ ngoài Bắc về. Hoà thượng đã đi bộ 135 ngày ròng để mang chiếc mõ về chùa.
Những trang trí của chùa có màu sắc bắt mắt.
Chùa là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo nổi tiếng tại địa bàn tỉnh và nhiều nơi lân cận. Không chỉ giữ lại những dấu tích qua hàng thế kỷ, Phước Hưng tự còn khiến du khách ấn tượng bởi sự vẹn nguyên của công trình.
Trước kia chùa còn có Đông lang và Tây lang xây theo kiến trúc xưa. Nay Tây lang đã được trùng tu theo kiến trúc mới, đúc bê-tông mái bằng, Đông lang cũng được xây lại nối dài với nhà trù thành một giảng đường làm lớp học cho Trường Cơ bản Phật học.
Chùa đón đông lượng khách hành hương vào các dịp lễ, Tết. Tận dụng khoảng sân rộng, chùa dựng các tiểu cảnh trang trí khiến nhiều người thích thú.