“Nông dân” thành phố trồng rau trên nóc nhà

Lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn, các gia đình tại thành phố đều muốn hướng đến các dịch vụ rau sạch, bất kể giá đắt một cách vô lý. Không những vậy, ngày càng nhiều gia đình đã tận dụng từng khoảng trống trong nhà để canh tác lấy rau ăn hằng ngày.

Cơn bão thực phẩm bẩn, đặc biệt là nạn rau “phun phọt”, tẩm ướp hóa chất gây tổn hại sức khỏe ngày càng trở nên báo động khiến các gia đình đều cố gắng tìm nguồn hàng sạch để mua. Địa chỉ đầu tiên được các bà nội trợ chú ý là hệ thống siêu thị, các cửa hàng rau an toàn, rau hữu cơ. Tuy nhiên, mua hàng ở đây cũng chỉ là niềm tin khi mà rau sạch giờ cũng bị đánh tráo ngay tại nguồn cung cấp. Những ruộng rau an toàn tại các vựa rau giờ cũng ngày một ít. Tại các chợ đầu nguồn như Vân Nội, Đức Giang cũng tràn ngập rau trôi nổi và được nhiều cơ sở mua về đóng gói dán mác an toàn.
Mới đây, hàng loạt vụ rau bẩn được mạo danh rau sạch, rau an toàn bán trong các siêu thị, cửa hàng tự chọn cao cấp khiến cho người dân mất lòng tin. Nhiều người chạy vạy nhờ mua rau quê, rau trang trại… Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn, tỉ lệ này ở người mua lên tới 95%. Hơn lúc nào hết các điểm giới thiệu sản phẩm hữu cơ hay nông sản vùng miền lại được chú ý. Từ cửa hàng giới thiệu sản phẩm Mộc Châu, nông sản Tây Bắc, hàng quê Bắc Giang, Lào Cai, đến đặc sản Đà Lạt, Tây Nguyên. Song có một điểm chung là giá cả tại những cửa hàng này rất đắt, thường gấp 3-4 giá thị trường, thậm chí có mặt hàng tươi, độc đáo còn được bán đắt hơn hàng ngoài chợ đến cả chục lần. Đơn cử như một mớ rau cải mèo Lào Cai có giá 10 nghìn đồng, trong khi ngoài chợ chỉ 3 nghìn đồng, một cân bắp cải 20 nghìn đồng, gấp 3 lần hàng bán rong. Dâu tây Đà Lạt có giá hơn 300 nghìn đồng một kg, còn dâu ở chợ chỉ có giá từ 80-100 nghìn đồng. Theo tính toán của các gia đình, riêng việc mua rau hữu cơ ăn hằng ngày cũng tốn cả đôi triệu mỗi tháng. Tốn kém là thế, song các bà nội trợ tự nhủ rằng “bán niềm tin” cho các cửa hàng để thỏa ước nguyện được ăn sạch.
Dẫu vậy, mức độ sạch đến đâu thì cũng tùy… vào tâm người bán. Người ta mách nhau tự trồng rau mà ăn là an toàn nhất. Thế nên, dăm nhà, chục hộ, đổ xô đi mua giống, mua đất về trồng, rồi lan dần đến thành một trào lưu tự sản tự tiêu như thời bao cấp khó khăn ngày nào. Khắp nơi đều được tận dụng để trồng rau, từ bờ rào, góc sân, ban công, sân thượng, mái nhà đến bờ đê, gốc cây vỉa hè cũng “rợp” một màu xanh của rau. Trên các diễn đàn, blog họ chia nhau những kinh nghiệm nuôi trồng, hồi hộp đón đợi từng lá mầm, quả xanh rồi hào hứng khoe thành quả với rổ rau xanh non, hay chùm cà chua, trái bí.
Có cung ắt có cầu. Giới kỹ sư nông nghiệp vốn chẳng có việc làm nơi thị thành giờ lại đắt khách. Bên cạnh những cửa hàng, công ty cung cấp giống, vật tư nuôi trồng là hàng loạt dịch vụ tư vấn trồng và chăm sóc vườn rau, thậm chí còn có cả những dịch vụ thiết kế nhà vườn và đang ngày càng bận rộn. Chỉ khoảng 2 năm trước, nếu khách đặt làm vườn rau thì hôm sau nhân viên sẽ đến ngay để khảo sát thiết kế. Nhưng nay mỗi đơn hàng phải chờ ít nhất 3-4 ngày,thậm chí có nơi còn hẹn khách sau 10 ngày. Nhiều công ty tư vấn thiết kế vườn tại gia được mở ra, giới công chức tại các viện nghiên cứu nông nghiệp có được cơ hội làm thêm thật rôm rả, các sinh viên nông nghiệp cũng được nhiều doanh nghiệp thuê bán thời gian hoặc làm cộng tác viên.
Kết quả hình ảnh cho rau sạch
Hình ảnh có liên quan
Chi phí cho những vườn rau tại gia cũng không hề nhỏ. Với những gia đình làm vườn đơn giản kiểu mua thùng xốp về làm thì cũng mất vài triệu. Riêng tiền đất, thùng trồng và giống đã 2-5 triệu đồng tùy diện tích, chưa kể chi phí lát gạch chống thấm, hệ thống nước tưới… Với những ruộng rau chuyên nghiệp thì chi phí lên đến cả chục triệu đồng, tùy kiểu vườn là treo hay trồng dưới đất. Nếu là vườn treo, nhiều tầng thì tiền sẽ đắt hơn. Nhìn chung, nếu làm bằng loại nguyên liệu phổ thông giá mỗi mét vuông sẽ là 1,5-2 triệu đồng. Nếu khách hàng yêu cầu lắp thêm hệ thống tưới nước thì giá sẽ cộng thêm vài trăm nghìn đồng mỗi mét vuông. Tiền thuê người chăm sóc vườn theo đúng kỹ thuật cũng tốn khoảng 1,3- 5 triệu đồng mỗi tháng.
Kết quả hình ảnh cho rau sạch
Nhiều gia đình có điều kiện không chỉ đầu tư kỹ về tài chính mà còn rất tỉ mỉ trong thiết kế với ý đồ hẳn hỏi. Khu vườn được tính toán rất kỹ từ độ cao, độ dốc của vườn cây, hệ thống tưới – tiêu thoát và cả hướng hứng nắng gió, nhưng quan trọng hơn cả là bố cục vườn và sắc màu của rau quả tạo cho chúng một vẻ đẹp rất mỹ quan.Theo tính toán của nhiều gia đình thì mức đầu tư như vậy cũng không quá cao, bởi họ chỉ phải bỏ nhiều tiền ban đầu nhưng đổi lại hằng ngày có rau sạch ăn, vừa đảm bảo sức khỏe lại vừa tạo được không gian xanh cho gia đình khi mà cuộc sống đô thị ngày càng chật chội và ngột ngạt. Có lẽ đó cũng là lý do khiến nhiều gia đình rất chăm chút cho vườn rau và biến chúng thành một nghệ thuật không gian sống.