Khúc gỗ hiếm suýt thành củi được giải cứu phút chót

Chậu cây lạ làm bằng thân gỗ quý từng bị vứt đi, nay khiến nhiều người phải nán lại ngắm, đang được trưng bày ở Hà Nội.

Chậu cây dài 4 mét, nguyên bản là một khúc gỗ sao xanh quý có niên đại hàng trăm năm, bên trong trồng những cây tùng có tuổi đời hơn 30 năm. Do hội tụ đủ 4 yếu tố phong thủy gỗ, cây, nước, đá, tác phẩm được nhiều chuyên gia và các nghệ nhân sinh vật cảnh đánh giá cao tại triển lãm sinh vật cảnh đang diễn ra tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).

Chủ nhân của nó là anh Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi, Cư Jút, Đắk Nông), đã có hơn 15 năm trong nghề mộc.

“Tìm được khúc gỗ làm nên tác phẩm này là thành công lớn nhất của tôi đến nay”, anh nói. Năm 2013, anh được một người bạn giới thiệu đến một bản làng ở Đắk Lắk. Ông chủ của khúc cây này không biết giá trị của nó, đã suýt chặt làm củi. Anh Dũng nảy ra ý định mang về làm chậu cây. “Nếu mình đến trễ thêm chút nữa là mất”, anh Dũng kể.

Cây tùng cao tuổi, lá sẽ xanh vĩnh cửu, không đòi hỏi sự kỳ công chăm sóc. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Gỗ quý làm chậu được giữ nguyên bản, chỉ thiết kế thêm chân. Trên đó, các cây tùng được chọn kỹ lưỡng tạo thành hình cánh buồm. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Đoạn gỗ sao xanh dài 5 mét được lấy từ lòng suối, đã qua sàng lọc của tự nhiên, chỉ còn trơ lõi thân cây. Sao xanh thuộc nhóm 3 từ trên xuống trong danh sách các loại gỗ quý của Việt Nam. Đặc điểm của nó là thớ khá mịn, thẳng, chặt chẽ và hút nước tốt.

Để mang được khúc cây 4 tấn về, anh Dũng phải thuê xe cẩu hơn 4 tiếng, mất thêm một ngày đi đăng ký sở hữu, mới mang được về nhà cách đó 100 km bằng container.

Vì muốn giữ nguyên bản, anh không đục đẽo thân gỗ, chỉ cắt xẻ bớt cho vừa tạo hình con thuyền, tạo tiểu cảnh sơ bộ, đổ cát phù sa và trồng 9 cây tùng lên đó (con số biểu tượng cho sự vĩnh cửu).

Gỗ quý làm chậu được giữ nguyên bản, chỉ thiết kế thêm chân. Cây tùng được chọn kích thước kỹ lưỡng tạo thành hình cánh buồm. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Trong “chậu cây” này là những cây tùng cao tuổi, lá xanh quanh năm, không đòi hỏi sự kỳ công chăm sóc. Ảnh: Trọng Nghĩa.

“Trồng tùng không khó, cái khó là phải chọn đúng cây. Đó là những cây lớn tuổi (để đỡ công chăm sóc), có tán lá không xòe rộng, vỏ cây hơi thẫm đỏ”, anh Dũng cho biết.

Mất 3 năm, anh mới hoàn tất việc trồng tùng vào thân cây – chỉnh dáng những cây có dáng cong, khúc khuỷu thành thân cây thẳng – và giúp cây mọc rễ. Đến năm thứ 5 mới có thể di chuyển được cả chậu cây đi mà không sợ bị bật gốc.

Phong thủy của tác phẩm là yếu tố quan trọng nhất mà chủ nhân chậu cây muốn gửi gắm. Ảnh:Trọng Nghĩa.

Phong thủy của tác phẩm là yếu tố quan trọng nhất mà chủ nhân chậu cây muốn gửi gắm. Ảnh:Trọng Nghĩa.

“Hiện nay, tất cả các sản phẩm từ gỗ quý đều đề cao giá trị nguyên bản. Nếu đục nhiều hình thù thì tác phẩm của anh Dũng bị biến dạng, không còn giữ nguyên được giá trị. Chưa nói về vật chất, chỉ riêng ý tưởng này đã đáng giá trăm triệu”, ông Đỗ Văn Hải (thành viên ban tổ chức triển lãm) chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hoài (60 tuổi, một chủ vườn cây có 30 năm trong nghề), khẳng định: “Tôi thấy không ít nghệ nhân lấy gỗ làm chậu cây, nhưng bằng gỗ quý có kích thước lớn như của anh Dũng thì rất hiếm. Hiện tôi có nghe Dũng báo giá hơn một tỷ nhưng vẫn chưa muốn bán. Nếu thương lượng được tôi sẽ mua ngay”.