Gần 15 năm nay, cứ nửa tháng trước Tết, khoảng 300 m đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1) lại rực rỡ với hàng nghìn cành mai trang trí.
Từ ngày 8/1, một đoạn của đường Phạm Ngọc Thạch lại rực rỡ sắc hoa mai vàng. Đây là một phần trong hoạt động lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên, được tổ chức suốt 14 năm qua. Những cành mai cao hơn 2 m gắn hoa nhựa được cắm quanh hàng cây hai bên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch. Dù chỉ là hoa giả, màu vàng rực của loài hoa đại diện cho Tết phương Nam khiến góc phố tràn ngập sắc xuân.
Ở lối vào là tiểu cảnh khu vườn mai, nổi bật với cây mai đại thụ cao hơn 5 m, dưới gốc trang trí những túi mô hình gạo, bắp, đậu – các loại lương thực phổ biến của người Việt.
Chị Loan, 38 tuổi (áo dài trắng, bên trái), cùng bạn thuê thợ chụp ảnh trên con đường hoa mai. Chị Loan cho biết, hầu như Tết năm nào các chị cũng ra đây chụp vài kiểu ảnh chào năm mới trước khi về quê.
Ngọc Châu (20 tuổi) thướt tha trong tà áo dài bên những bông mai, đào. “Những tiểu cảnh hoa mai, làng quê ngày Tết ở đây rất đẹp. Em rất thích thú khi có được một bộ ảnh ngày xuân”, Châu chia sẻ.
Bé Gia Minh 6 tuổi (bên phải) được mẹ cho diện áo dài ra phố đón xuân.
Ngoài đường hoa mai, điểm nhấn của lễ hội năm nay là khu vực tiểu cảnh của 4 làng nghề truyền thống, gồm làng làm gốm, làng mây, làng hương và làng lụa.
Lễ hội còn tái hiện không gian các miền quê, phố ông đồ, các món ăn, gian bếp… trong ngày Tết cổ truyền.
Dịch vụ cho thuê áo dài thu hút rất nhiều khách. Mỗi bộ từ áo dài từ truyền thống đến cách tân có giá thuê khoảng 80.000 đồng trong hai tiếng.
Từ sáng đến tối, con đường hoa mai đều đông đúc khách tham quan, chụp ảnh. Hoạt động lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hoá Thanh niên diễn ra đến hết ngày 29/1 (mùng 5 Tết Canh Tý).