Ngày Xuân, bánh tét là món ăn không thể thiếu. Và không chỉ là món ăn, bánh là văn hóa, bánh là hình ảnh của giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc.
Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị ngọt bùi của nhân đậu, thịt sẽ là hương vị đậm đà khó quên cho mỗi người.
Bánh tét đối với người dân miền sông nước Cửu Long gần gũi và thân thuộc. Tuy nhiên, trong sự thân thuộc phổ biến đó cũng chứa đựng những nét đặc trưng độc đáo riêng, điển hình như món bánh tét lá cẩm Cần Thơ – món đặc sản nổi tiếng đất Tây Đô
Ở Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Con cháu họ Huỳnh đã làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân
Loại nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Nếp sau khi ngâm được xào với nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường, xào trên bếp lửa khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp.
Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm với gạo trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp. Lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt thấm… Nếu thịt không ngon, nếp không rặt sẽ làm cho khẩu vị bánh mất ngon
Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá; lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi bánh chín.
Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết.