Nuôi ốc hương trong bể xi măng có nhiều ưu điểm như dễ quản lý về môi trường, dễ quản lý địch hại, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp.
1.Thiết kế và xây dựng trại nuôi
a.Chọn địa điểm xây dựng trại nuôi
– Trại nuôi phải được xây dựng tại nơi có nguồn nước trong sạch, độ mặn ổn định trên 30‰, không bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp, nông nghiệp hay chất thải sinh hoạt.
– Trại nuôi nên xa khu dân cư, có điều kiện thuận lợi về điện, nước, phương tiện giao thông và các dịch vụ sinh hoạt khác.
– Nếu có thể thì nên xây trại ở gần điểm sản xuất con giống, nơi tiêu thụ sản phẩm là tốt nhất.
b.Quy cách trại nuôi
Tùy vào từng điều kiện, căn cứ vào vị trí, diện tích hiện có mà xây dựng trại cho phù hợp.
– Các công trình trong trại phải liên hoàn và thuận tiện cho việc sản xuất.
– Các hạng mục: khu vực chứa cát dự trữ, nguồn nước dự trữ, hệ thống nước, hệ thống sục khí, hệ thống điện phải được chủ động và quản lý chặt chẽ.
– Trại cũng cần xây dựng thêm bể xử lý nước thải để đảm bảo môi trường.
c.Xây dựng bể nuôi
– Diện tích bể: tùy thuộc vào diện tích hiện có cũng như khả năng kinh tế và trình độ quản lý của hộ nuôi mà xây dựng bể cho phù hợp. Diện tích bể phổ biến hiện nay thường là 6 x 2,5 x 1m.
– Bể nuôi nên xây dựng bằng vật liệu xi măng, thành bể được cáng láng. Bể phải có lỗ thoát nước để thuận tiện cho việc vệ sinh cũng như xả cạn toàn bộ nước nuôi khi cần thiết.
– Đáy bể nên lót một lớp cát mịn có độ dày phù hợp. Lưu ý cát quá ít sẽ không đủ cho ốc vùi mình; nếu cát quá nhiều thì sẽ gây khó khăn trong việc vệ sinh và quản lý môi trường nuôi. Do đó lượng cát tốt nhất chỉ nên dày 1,5 – 3 cm đối với ốc thả nuôi từ 2,5 – 4 tháng và 3 – 4 cm đối với giai đoạn còn lại.
Lưu ý: cát trước khi đưa vào bể nuôi phải được sàng qua lưới để loại bỏ cát lớn, đá sỏi. Có thể xử lý cát bằng 1 số hóa chất như thuốc tím 100ppm hoặc Formel 50ppm để khử trùng, sau đó rửa sạch và đưa vào bể nuôi.
2.Thả giống
a.Lựa chọn con giống
– Nên chọn con giống có kích cỡ đồng đều, không bị biến dạng, có màu sắc đặc trưng.
– Cần chú ý loại bỏ ốc bị bể vỏ mà đặc biệt là phần cuối của vỏ.
– Nên mua con giống tại những trại giống uy tín.
b.Mật độ nuôi
Tùy theo tháng tuổi của ốc hương mà mật độ nuôi khác nhau:
– Ốc hương ở tháng tuổi thứ nhất: mật độ nuôi từ 800-1.000 con/m2.
– Ốc hương ở tháng tuổi thứ hai: mật độ nuôi từ 500-800 con/m2.
– Ốc hương ở tháng tuổi thứ ba: mật độ nuôi từ 200-300 con/m2.
– Ốc hương từ tháng thứ tư về sau: mật độ nuôi từ 100-200 con/m2.
c.Vận chuyển ốc hương giống
Việc vận chuyển ốc hương giống phổ biến hiện nay là dùng phương pháp làm lạnh nước biển bằng đá tới 25-260C. Ốc giống được ngâm trong nước lạnh khoảng 5 phút rồi cho vào bao, bơm oxy và cho vào thùng xốp để vận chuyển. Chỉ nên vận chuyển khoảng 10kg ốc giống/thùng.
Khi vận chuyển ốc hương về đến trại cần mở nắp thùng ra để ốc thích nghi dần với nhiệt độ không khí, nhiệt độ nước. Không được thả ốc ngay vào bể để tránh hiện tượng gây sốc nhiệt.
d.Cách thả giống
– Căn cứ vào số lượng ốc của từng bể, sau đó cân để định số lượng ốc rồi thả vào bể.
– Chỉ thả ốc vào bể khi ốc đã hồi phục và thích ứng với điều kiện môi trường. Cần thả đều ở tất cả các vị trí của bể nuôi.
3.Thức ăn
Thức ăn của ốc hương là tôm, cá, thịt nghêu băm nhỏ (đã bỏ xương, vỏ)… Đối với thức ăn có kích cỡ lớn, phải băm nhỏ và rửa sạch trước khi cho ăn nhằm hạn chế ô nhiễm nước.
Thức ăn được rãi đều khắp bể nuôi vì ốc hương giai đoạn nhỏ chỉ vận động được trong một bán kính nhất định.
Mỗi ngày cho ốc hương ăn hai lần ở 3 tháng đầu và một lần ở tháng thứ 4 trở đi. Thời điểm cho ốc ăn là vào buổi chiều tối. Lượng thức ăn tùy theo tháng tuổi:
+ Tháng thứ nhất: lượng thức ăn chiếm 15-20% trọng lượng ốc nuôi.
+ Tháng thứ hai: lượng thức ăn chiếm 10-15% trọng lượng ốc nuôi.
+ Tháng thứ ba: lượng thức ăn chiếm 8-10% trọng lượng ốc nuôi.
+ Tháng thứ tư về sau: lượng thức ăn chiếm 5-7% trọng lượng thân ốc nuôi.
https://youtu.be/ma6RjEfkRtQ
4.Chăm sóc
– Phải đảm bảo thức ăn cho ốc cả về số lượng và chất lượng. Vào mỗi buổi sáng nên vớt tất cả thức ăn thừa ra khỏi bể trước khi thay nước và cho ăn nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm nước.
– Ngoài việc cho ăn hàng ngày, nên trộn thêm vitamine C, B1… vào trong thức ăn để giúp ốc sinh trưởng nhanh và tăng khả năng đề kháng của cơ thể.
– Hằng ngày nên thay từ 50-70% nước trong bể. Định kỳ vệ sinh bể và thay lớp cát đáy, ít nhất mỗi tuần một lần.
– Trường hợp đáy bể quá bẩn, có mùi hôi, ốc sẽ không ăn và yếu dần, cần chuyển ốc sang bể mới và vệ sinh bể sạch sẽ trước khu dùng lại.
– Cần thường xuyên kiểm tra bể nuôi, nếu cần thiết nên dùng ống nhựa đường kính 1-1,2 cm dán xung quanh thành bể (cách mặt nước khoảng 1cm) nhằm ngăn không cho ốc bò lên thành hay thoát ra ngoài.
– Điều chỉnh hệ thống sục khí để đảm bảo sao cho vừa đủ, không quá mạnh hay quá yếu. Phải đảm bảo sục khí liên tục 24/24 giờ để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan > 4,5mg/l.
– Những ngày mưa lớn (nếu trại bị ảnh hưởng lớn) cần xả bớt lớp nước tầng mặt và giữ không cho độ mặn giảm xuống dưới 20 ‰.
– Cần che bớt ánh sáng trong bể bằng lưới chắn nắng để nhiệt độ trong bể nuôi không quá 320C vào mùa hè.
5.Thời gian nuôi
Thông thường thời gian nuôi từ 5-7 tháng, tùy theo điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.
6.Thu hoạch
– Khi ốc đạt kích cỡ 90-150con/kg thì có thể thu hoạch bán thương phẩm.
– Cách thu hoạch như sau: Tháo cạn nước trong bể. Sau đó dùng tay bắt toàn bộ ốc trong bể. Có thể dùngmiếng nhựa xúc cả ốc và cát sàng qua cỡ mắt lưới phù hợp để có thể chọn ốc đạt tiêu chuẩn, vừa loại được những con ốc nhỏ.
– Những con đủ kích cỡ thương phẩm thì thu riêng, còn lại những con chưa đủ tiêu chuẩn thu hoạch thì đưa vào bể nuôi khác có con giống cùng kích cỡ để tiếp tục nuôi cho đến kích thước thương phẩm.