OMEGA 3 – OMEGA 6 VÀ OMEGA 9 đều là những acid béo không no và đều có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, với mỗi loại lại có đặc điểm, tác dụng và nhu cầu của cơ thể khác nhau
Ví dụ, Omega 3 (với thành phần chính là DHA và EPA) là acid béo không no, quan trọng cho từ thai nhi cho tới người cao tuổi, cũng như nhu cầu là thường xuyên hàng ngày, trong khi Omega 6 và Omega 9 tuy là có lợi có sức khỏe người có tuổi, nhưng bổ sung nhiều hoặc thường xuyên lại không cần thiết và có thể còn gây tác hại. Rất nhiều người băn khoăn rằng, mình nên uống Omega 3 hay Omega 3-6-9 và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt omega 3 , 6 , 9 và cách dùng hiệu quả.
Omega 3 là gì và có tác dụng gì?
Omega 3 gồm các axit béo không no, mà chủ yếu là DHA và EPA, có nhiều trong dầu cá biển.
Axit béo Omega 3 cần thiết cho sự hình thành các nơron thần kinh, vận chuyển gluco – dưỡng chất chính giúp cho quá trình hoạt động của não, do đó, rất cần cho thai nhi (thông qua bà mẹ mang thai), cho trẻ em đang phát triển. DHA chiếm lượng lớn trong não cũng như võng mạc và là dưỡng chất giúp phát triển thần kinh và thị lực cho trẻ em, và giúp người trưởng thành, đặc biệt người cao tuổi duy trì trí nhớ và thị lực, chống suy giảm trí nhớ và suy giảm thị lực.
Omega 3 giúp người trưởng thành, đặc biệt là người lớn tuổi phòng ngừa các bệnh tim mạch, tốt cho người bị cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và xơ vữa động mạch.
Omega 3 cũng giúp da mịn màng, mềm mại, giảm nếp nhăn, chống khô da và chống lão hóa, chống lại tác hại của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời, ngăn cản quá trình viêm nhiễm, giúp cân bằng acid béo có lợi cho cơ thể, tham gia ngăn chặn quá trình oxy hóa, quá trình gây viêm và một số yếu tố gây ung thư.
Ngoài ra, Omega 3 còn làm giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp, giảm mức độ và số lần xuất hiện cơn hen phế quản, cải thiện triệu chứng của bệnh vảy nến, viêm loét đại trực tràng (bệnh Crohn).
Omega 6 là gì và có tác dụng gì?
Omega 6 cũng là các acid béo không no, gồm: Linoleic acid (LA), Gamma linolenic acid (GLA), Dihomo-gamma linolenic acid (DGLA), Arachidonic acid (AA).
Omega 6 là chất béo cần thiết cho hoạt động của cơ thể, nhưng cơ thể không thể tự tổng hợp được mà cần bổ sung cho cơ thể từ nguồn thức ăn cung cấp.
Cũng như Omega 3, Omega 6 có tác dụng rất tốt để ngăn ngừa các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm cholesterol và triglyceride trong máu. Bởi vậy, Omega 6 thường chỉ cần cho người lớn để ngăn ngừa các bệnh tim mạch, còn tác dụng cho trí não và mắt là không có và tác dụng chống oxy hóa cũng không nhiều.
Bên cạnh đó, bổ sung dư thừa Omega 6 sẽ không tốt, nó có thể làm gia tăng sự giữ nước trong cơ thể, kéo theo việc tăng áp suất máu, và tăng nguy cơ máu bị đóng cục trong lòng mạch. Nếu như tỷ lệ Omega 6 và Omega 3 không cân đối với lượng Omega 6 quá cao sẽ gây hại cho sức khỏe.
Trong quá trình cơ thể sử dụng, hai chất Omega 6 và Omega 3 đều sử dụng chung một số enzymes, vitamins (B3, B6, C, E) và các chất khoáng magie và kẽm. Nếu Omega 6 quá nhiều, nó sẽ chiếm lấy hết các enzymes và vitamins cần thiết khiến Omega 3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo được, nhất là trong việc bảo vệ tim mạch, và còn có thể gây nên cơn đau nhức viêm sưng chẳng hạn như viêm khớp và hen suyễn. Tỷ lệ lý tưởng tốt nhất của Omega 6/Omega 3 là tỷ lệ 1:1.
Một vấn đề nữa, đó là nguồn bổ sung Omega 6 từ thức ăn rất dồi dào, nó có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu bắp, dầu hạt bông vải, dầu hạt nho, dầu mè, dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, trong trứng gà, mỡ…. Và trong các thực phẩm phổ biến mà chúng ta ăn hàng ngày này đã có thể bổ sung đủ cho nhu cầu, trong khi lượng Omega 3 trong đó lại rất ít, khiến cho tỷ lệ Omega 6/Omega 3 rất lệch so với nhu cầu. Bởi vậy, để cân bằng dinh dưỡng, cần phải bổ sung thêm Omega 3 từ nguồn khác với thực phẩm (như dùng thêm thực phẩm chức năng) chứ không quá cần cần phải bổ sung thêm Omega 6.
Omega 9 là gì và có vai trò ra sao?
Omega 9 cũng là các acid béo không no và không bão hoà đơn, gồm Acid oleic, Acid mead, Acid erucic, Acid nervonic. Không giống như Omega 3 và Omega 6, cơ thể có thể tự sản xuất được Omega 9. Có nghĩa, bạn cũng không quá cần thiết phải bổ sung thêm từ nguồn thực phẩm chức năng mà chỉ cần thêm thắt qua nguồn thực phẩm là đủ.
Omega 9 có nhiều trong 1 số thực phẩm như dầu olive, dầu maca, mỡ gia cầm, mỡ lợn, trong cá hồi, 1 số loại hạt và cũng có một số lợi ích nhất định cho sức khoẻ.
Omega 9 giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch , đột quỵ bằng cách tăng HDL (cholesterol tốt) và giảm LDC (cholesterol xấu). Omega 9 cũng giúp kiểm soát đường huyết, giúp tăng năng lượng và cải thiện tâm trạng, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer…
Nên dùng Omega 3 hay Omega 3-6-9
Dựa vào những phân tích khoa học kể trên, thì Omega 3 là cần thiết nhất và cũng cần phải bổ sung nhất. Và tất cả mọi người, từ thai nhi trong bụng mẹ, trẻ em đang phát triển tới người già đều cần được bổ sung thêm ngoài thực phẩm.
Omega 3 được khuyên dùng hàng ngày và lâu dài cho trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, cho người dùng với nhu cầu làm đẹp da hoặc người cao tuổi và không mắc các bệnh mãn tính về tim mạch.
Nếu là người có nguy cơ hoặc đang mắc các bệnh lý về tim mạch, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao),… và chế độ ăn không đủ các thực phẩm giàu Omega 6, 9 kể trên thì có thể bổ sung xen kẽ 3 tháng uống Omega 3-6-9 rồi 3 tháng lại dùng Omega 3. Nếu bạn tự tin mình đã cung cấp đủ Omega 6,9 từ thực phẩm thì chỉ cần bổ sung thêm Omega 3 là đủ.
Khi lựa chọn sản phẩm chứa Omega 3 để bổ sung, nên chọn loại chứa DHA và EPA nguyên chất từ dầu cá với hàm lượng cho mỗi viên là 150mg DHA – 45mg EPA (tức gần 4/1) để thu được hiệu quả cao nhất.
Theo SKDS