Viết kinh phật trên lá buông

Lá buông có thể viết chữ lên được, không bị mối mọt, không phai nét chữ, rất hữu ích trong việc bảo quản lâu dài.

Trước khi cắt lá làm giấy, người Khmer phải thắp nhang cầu khấn trời phật bởi làm sách là một việc thiêng liêng. Đầu tiên, người ta chọn những đọt lá tốt, lấy dây quấn đọt cây, ngăn không cho lá mở. Khoảng một năm sau người dân mới chặt lá về phơi cho khô, sau đó cắt thành hình chữ nhật, ép cho phẳng, sắp thành từng xấp, dùng nẹp gỗ bào nhẵn và nẹp chặt lại. Đó là những tập “giấy lá”.

Kinh lá Khmer cổ được viết trên lá buông là báu vật ở các chùa Khmer.

Loại cây để viết trên lá buông có thân gỗ hoặc sừng, được vót tròn, cắt ngắn vừa tay. “Ngòi viết” là một mũi kim mài nhọn. Viết xong người ta lấy bồ hóng trộn với dầu xoa lên chữ, chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Cứ thế, người ta viết hết trang giấy lá này đến giấy lá khác rồi xỏ lỗ đóng thành một quyển có bài gỗ. Một số người kể rằng để tăng độ bền, nhất là làm đẹp cho tập sách người ta lấy dung dịch nước bột vàng quét phủ lên gáy sách, bìa sách tựa sơn son thiếp vàng.

.